Năm năm trước, tôi có một cô em gái vô cùng thân thiết, chúng tôi thường hay gọi nhau đi mua sắm, ăn uống. Trong một lần uống trà chiều, cô ấy vô cùng vui vẻ mà khoe người bạn trai của mình và họ vừa dẫn về ra mắt gia đình hai bên, cuối năm là cưới.
Chúng tôi đều gặp người bạn trai đó của cô ấy rồi. Anh ta đúng là một người đàn ông đẹp trai, kiếm được tiền, gia đình cũng gọi là khá giả có của ăn của để. Tóm lại là, cả về học vấn và năng lực của anh ta thì không có gì chê trách cả. Cô em tôi sống trong tình yêu nên lúc nào cũng thấy yêu đời, tươi phơi phới.
Cô ấy bảo chúng tôi rằng: “Em đã nghĩ kỹ về việc này xong từ lâu, đời này không phải là anh ấy em liền không gả. Dù cho tương lai có như thế nào, em vĩnh viễn sẽ không buông tay anh ấy".
Nghe cô ấy nói vậy, tôi mới bảo: “Chị biết em rất yêu anh ấy nhưng chị không đồng ý với lối suy nghĩ này của em. Tư duy của em sẽ khiến anh ấy hiểu là dù anh ấy có đối xử với em như thế nào, em cũng sẽ không buông bỏ anh ấy. Ngược lại em phải thể hiện cho anh ấy biết rằng cách duy nhất để em không rời xa anh chính là việc anh phải nhất mực yêu thương, trân trọng em. Còn nếu như anh coi nhẹ em, thờ ơ với em, em sớm muộn cũng buông anh ấy mà đi”.
>> Xem thêm: Hạnh phúc bình yên| Hạnh Phúc Gia Đình
Nghe đến đây, cô ấy có chút mất hứng nói: “Anh ấy sao có thể không đối xử tốt với em được cơ chứ?”. Tôi thấy cô ấy không thích nghe những lời này nên cũng không có nói tới nữa.
Sau đó, chúng tôi dần có mối quan tâm riêng của chính mình, chúng tôi dần dần liên lạc ít đi rồi. Bỗng sau đó khoảng hơn hai năm đó, cô ấy gọi điện cho tôi vào một buổi tối, giọng nghẹn ngào lắm. Tôi hỏi em sống thế nào, em ấy ngập ngừng hồi lâu nói không tốt lắm, tôi hỏi em ấy: "Em có chuyện gì sao?". Em ấy im lặng một lúc rồi khóc thút thít. Nghe em kể trong dòng nước mắt, tôi dần dần hiểu ra đầu đuôi câu chuyện mấy năm nay của em.
Đúng là sau đó, em ấy và người đàn ông kia tổ chức đám cưới vô cùng sang trọng, trong sự chúc phúc của hai bên, trong tâm trạng vui mừng khôn xiết, trong lời thề ngày cưới khiến em ấy cảm động nước mắt lưng tròng. Lúc đó, em ấy nghĩ mình là cô dâu hạnh phúc nhất, ông trời quả nhiên đã quá ưu ái với em ấy.
Sau khi kết hôn, hai vợ chồng vô cùng hạnh phúc, lúc nào cũng gắn bó như keo sơn. Khoảng nửa năm sau đám cưới hai người lần đầu tiên có xích mích, nguyên nhân em ấy không còn nhớ rõ nhưng chỉ vì một khúc mắc nhỏ như hạt đậu mà chồng em ấy liền đạp cửa bỏ đi. Em ấy cũng hụt hẫng, đành ngồi đợi chồng về trong bất lực.Tới nửa đêm anh chồng cả người say khướt mới mò về nhà, em ấy lập tức ôm anh, nói lời xin lỗi làm lành. Vậy là hai người vui vẻ hoà giải mâu thuẫn.
Bởi vì em ấy quá trông chờ, quá hi vọng vào việc cùng chồng sống hạnh phúc tới hết cuộc đời này nên sau khi cãi nhau làm lành xong, em ấy liền lập tức kiểm điểm bản thân. Em ấy thấy mình không đủ chín chắn bao dung. Thế nên về sau em ấy càng ngày càng ngoan ngoãn nhượng bộ chồng.
Lúc mới đầu, anh chồng thấy thay đổi của vợ mình như vậy thì vô cùng vui vẻ, hai người trở về cuộc sống ngọt ngào vui vẻ trước kia. Nhưng mà những vụn vặt xảy ra trong cuộc sống hôn nhân, sự chào đời của em bé khiến cho em ấy dù có nhẫn nhịn, khoan dung như thế nào thì hai vợ chồng vẫn thỉnh thoảng xảy ra tranh cãi. Mỗi lần hai người xảy ra xích mích, anh chồng đều bỏ ra ngoài yên tĩnh một mình, em ấy đều tay bồng con nhỏ ở nhà đợi chồng trở về.
Từ lần cãi cọ đầu tiên anh chồng đêm mới trở về, tới bây giờ qua đêm cũng không thấy bóng dáng, em ấy cũng từng gặng hỏi chồng mình anh qua đêm ở chỗ nào, chồng lạnh nhạt nói nhà chẳng còn hơi ấm nên anh ngủ tại khách sạn.
Vì để cho chồng cảm thấy ấm áp khi ở nhà, em ấy một lần nữa nhượng bộ. Dù cho nhà có bảo mẫu nhưng dù sao bảo mẫu cũng chỉ có thể giải quyết vấn đề ăn ngủ của em bé, còn vấn đề nuôi con như thế nào thì vẫn cần hai người phải chăm lo. Em ấy sợ chồng thấy phiền, một mình ôm hết chuyện con cái. Em ấy hi vọng có thể dùng sự ấm áp và bao dung của mình thắp lại sự ấm áp ban đầu của ngôi nhà.
Nhưng thực tế lại diễn biến theo chiều hướng ngược lại. Em ấy càng nhượng bộ, anh chồng càng trở nên bê tha hơn, nhậu nhẹt, ăn chơi bar bủng. Sau cùng, anh ta còn dan díu với người phụ nữ khác. Những chuyện khác em ấy có thể nhẫn nhịn được, chỉ có việc có người phụ nữ bên ngoài là em ấy không thể chấp nhận được, nhưng em ấy chẳng biết bản thân nên làm gì mới phải.
Em ấy tuyệt vọng nói: "Chị ơi, chị biết là em yêu anh ấy nhiều như thế nào mà. Từ khi kết hôn, em đã dốc lòng dốc sức trở thành một người vợ tốt, dù không phải thập toàn thập mỹ nhưng em đã luôn cố gắng. Em không hiểu, ngày xưa bọn em mặn nồng đến như thế, em ốm anh ấy mua thuốc, tay chân luống cuống nấu cháo cho em. Khi em không vui, anh ấy ở bên dỗ dành. Nhưng mà bây giờ tất cả đều như nước chảy mây trôi, sao tình cảm của bọn em lại đến bước đường này?"
Tôi trầm ngâm hỏi em ấy có nhớ những lời tôi từng cảnh báo em hồi trước không. Em ấy đáp em có nhớ, thế là tôi liền phân tích câu đó cho em nghe.
Không phải chỉ có mỗi em gái tôi quen biết trong câu chuyện kia có hoàn cảnh như thế, mà còn rất nhiều cô gái nhắn tin nhờ tôi tư vấn cũng có tình trạng hôn nhân tương tự như vậy.
Tôi nhận thấy rằng, trong những câu chuyện đó, dường như tất cả các cô gái đều có suy nghĩ như thế này: Chỉ cần không ngừng thỏa hiệp, không ngừng nhường nhịn thì có thể có hy vọng đổi lấy một cuộc hôn nhân yên bình ấm áp. Thậm chí các cô gái ấy còn cố chấp với quan niệm rằng: Dù cho đàn ông có tệ bạc đến như thế nào, tôi vẫn muốn cùng anh ấy sống hết cuộc đời này.
Vậy thì phụ nữ có nên nhường nhịn đàn ông không? Tất nhiên là có, trong chuyện tình yêu, hai người trưởng thành trong hoàn cảnh sống khác nhau ở chung tất nhiên sẽ xảy ra va chạm. Nếu như không biết nhường nhau một tí thì làm sao có thể sống cùng nhau tiếp đây? Nhưng mà, trước khi nhường nhịn hay bao dung, có hai điều kiện tiền đề cần phải thoả mãn dưới đây.
Thứ nhất là tương trợ. Bất kỳ mối quan hệ nào cũng cần phải vun vén từ hai bên mới lâu dài được. Nếu chỉ còn một bên gánh vác, sớm muộn gì gia đình cũng sẽ tan vỡ.
Thứ hai, là giới hạn. Người phụ nữ Việt Nam thường không có giới hạn của bản thân trong hôn nhân. Trong mắt nhiều cô gái, chỉ cần chồng không ngoại tình, không ly hôn thì họ làm gì đều có thể dễ dàng được tha thứ. Nhưng họ lại không nhận ra được rằng: Chỉ khi bản thân có nguyên tắc, có giới hạn thì đối phương mới trân trọng bạn, đề cao bạn.
Nhưng điều kỳ lạ là có nhiều người làm theo cách hoàn toàn ngược lại. Anh không làm việc nhà, dù em có đau lòng một chút, nhưng em không đôi co với anh, em bao dung vậy. Anh không có chí tiến thủ, thôi không sao, ai chẳng có khuyết điểm, em yêu anh thì em phải chấp nhận điểm không tốt của anh thôi. Anh đối xử với em không tốt, dù em có buồn đấy, nhưng mà đến được với nhau cũng không dễ dàng, em trân trọng cuộc hôn nhân này nên em nhịn.
Có rất nhiều cô gái cho rằng chỉ cần mình nhẫn nhịn thêm lần này là có thể đổi được một cuộc đời an bình. Nhưng thực tế là khi các bạn càng hạ thấp điểm giới hạn, gạt bỏ ranh giới của mình ra thì hành vi của đối phương sẽ ngày càng tác quai tác quái khiến cuộc đời bạn tơi tả.
>>Xem thêm: Hạnh phúc gia đình tâm sự chuyện vợ chồng
Bạn có để ý thấy rằng, những người phụ nữ sau khi lấy chồng thường nói là: “Đàn ông lấy vợ rồi, đều không còn quan tâm mình như lúc còn yêu nữa. Hay khi lấy rồi mới phát hiện ra một đống tật xấu của chồng”. Vì sao lúc còn hẹn hò anh ta tốt với bạn đến thế? Bởi vì anh ta hiểu rằng nếu như không tốt với bạn thì bạn sẽ chẳng gật đầu đồng ý đâu. Vậy thì, tại sao sau khi kết hôn bạn lại quên mất đạo lý này chứ?
Muốn đối phương đặt bạn trong tim, bạn phải để anh ấy hiểu rằng: “Chỉ có cách thật lòng đối xử tốt với em, trân trọng, bảo vệ em thì em mới mãi không rời xa anh. Còn ngược lại, em sẽ dứt khoát bỏ anh mà đi đó nhé”.
Nếu như bạn có quyết tâm như này, bạn mới có thể nhận được sự tôn trọng tuyệt đối từ bạn đời của mình, bạn nhé!