Con người tôi, không có ưu điểm gì lớn ngoài việc có tính kiên trì vượt sức tưởng tượng ra. Còn theo như bố mẹ tôi nói là tính cách ương bướng, cứng đầu, có sức chín con trâu cũng không kéo được lại nếu tôi đã quyết định một cái gì đó.
Vẫn còn nhớ năm 1999 ở Hà Nội, lúc đó Hà Nội vắng lắm chứ chưa có nhiều người buôn bán, kinh doanh như bây giờ. Càng chưa nói đến người nước ngoài đến du lịch hay làm ăn ở đây. Lúc đó tôi mới lên lớp 6, được chị hàng xóm rủ đi nghe tư vấn du học ở trường đại học Mỹ. Tiếng anh của tôi thì phải gọi là chả có nền tảng gì nhiều, chỉ biết nói mỗi xin chào bằng chữ “hello” thôi nên tôi cũng không hứng thú lắm. Nhưng bằng sự lôi kéo lẫn nài nỉ của chị ấy, tôi cũng có mặt tại một khách sạn, nơi họ tổ chức sự kiện giới thiệu về trường.
Tôi vẫn nhớ như in cảm giác bị choáng ngợp bởi sự chuyên nghiệp và những hình ảnh rất đẹp về nước Mỹ. Tôi dần bị thu hút và tỏ ra rất thích thú về việc đi du học Mỹ. Và cũng từ đó, tôi ước mơ "một ngày mình sẽ đặt chân đến nước Mỹ", còn làm thế nào để đi Mỹ được thì tôi cũng chưa biết. Vì bố mẹ tôi lúc đó làm nhà nước, tiền nuôi 2 anh em tôi đi học thêm còn chưa đủ chứ nói gì tới đi Mỹ du học.
Ứớc mơ một ngày mình sẽ đặt chân đến nước Mỹ
Thế rồi, tôi nuôi dưỡng ước mơ đó bằng cách ngày đêm học tiếng Anh, nghe tiếng Anh, hát tiếng Anh, lẩm nhẩm nói tiếng Anh một mình. Thời ấy vẫn còn chưa có wifi, tài liệu học tiếng anh chưa nhiều như bây giờ. Đến máy tính còn phải nhà có điều kiện lắm mới có được 1 chiếc máy để bàn chạy rè rè. Tôi toàn tự chép lời bài hát tiếng Anh vào một quyển sổ, rồi tra từ điển dày cộp và ghi chi chít vào sổ. Cho đến năm lớp 11, tôi tình cờ đọc được thông tin tuyển học sinh chương trình Trung học Mỹ. Tôi không nói với ai và âm thầm tự mình đi thi. Sau khoảng 1 tuần thì có kết quả là tôi đỗ vào chương trình đó. Tôi vui lắm, tôi đến gặp người đại diện chương trình và hỏi hết về thủ tục giấy tờ, tài chính rồi gom lại thành một tập hồ sơ ngăn nắp và đầy đủ.
Sau khi làm xong xuôi, tôi về "thưa chuyện" với gia đình. Và điều nằm trong dự đoán của tôi, bố mẹ rất sốc với quyết định muốn đi Mỹ học của tôi và đều không đồng ý. Thứ nhất là lương nhà nước của bố mẹ tôi không đủ cho tôi trang trải học phí 5 năm ở bên Mỹ cho đến hết đại học. Thứ hai là thông tin về du học Mỹ lúc đó còn quá ít (cả nước Mỹ thời bấy giờ mới có 3000 du học sinh Việt Nam, còn giờ là hơn 30 ngàn người rồi). Thứ ba là sợ sau khi tôi học một năm ở đó nhưng không đỗ được đại học thì phải về nước, vừa tốn tiền lại phải học chậm so với các bạn cùng tuổi một năm. Điều cuối cùng, đó là bố mẹ tôi sợ tôi tuổi còn nhỏ, không thể sống tự lập một mình ở 1 đất nước xa lạ cách nửa vòng trái đất được. Tôi là con út, mười mấy năm trời nào đã rời xa vòng tay gia đình bao giờ.
Chừng đấy lý do cũng đủ cho bố mẹ tôi ngăn cấm tôi đủ đường. Nhưng bằng một sự quyết tâm phải sang nước Mỹ du học, tôi đã kiên nhẫn phân tích và thuyết phục để bố mẹ tôi đồng ý cho tôi đi du học. Cuối cùng, bố mẹ tôi cũng bị tôi thuyết phục và đồng ý để tôi sang học trung học tại nước Mỹ. Đó chính là viên gạch đầu tiên đặt nền móng cho tôi thực hiện được ước mơ ở trời Mỹ của mình.
Sau khi đặt chân đến nước Mỹ lần đầu tiên, tôi được học tập cùng các bạn Trường Trung học Mỹ. Buổi học đầu tiên, thầy giáo yêu cầu mỗi học sinh lên trình bày trước lớp về bản thân. Tôi vốn học chuyên Anh từ bé và cũng tự cảm thấy mình nói tiếng Anh cũng không hề tệ. Nhưng khi phải nói trước đám đông trước người Mỹ, tôi run cầm cập luôn và phát âm sai rất nhiều. Tôi vẫn nhớ như in cái khoảnh khắc đứng trước lớp, mắt nhòa đi và mồm thì lắp bắp, tôi xấu hổ lắm, các bạn Mỹ trong lớp ngơ ngác ko hiểu gì, các bạn rất lịch sự vẫn vỗ tay, nhưng sau đó tôi khó hòa nhập được vào câu chuyện của các bạn.
Thời gian đầu đi học đối với tôi cực kỳ đau khổ. Từ một đứa làm lớp trưởng khá năng động có nhiều bạn bè, tôi cô đơn và tự ti, đặc biệt về giọng nói của mình. Tôi cảm giác như mỗi lần mình cất tiếng lên là mọi người sẽ cười, có thể họ không cười trước mặt tôi, nhưng họ cười trong bụng, cười sau lưng, ấy là tôi tưởng tượng thế. Tôi e dè, tôi không dám nói, không dám phát biểu, tôi cố gắng hạn chế tiếp xúc với mọi người để đỡ nói bằng giọng Viet-Lish của mình.
>> Xem thêm: Thay đổi bản thân vì một câu nói của người khác?
Tôi buồn và thất vọng lắm. Rồi nỗi nhớ nhà, nhớ bố mẹ, nhớ anh chị em tôi bỗng ùa về khiến tôi khóc rất nhiều đêm trên đất Mỹ. Nhưng cũng như trước kia, tôi luôn tin rằng nếu quyết tâm mình sẽ làm được mọi thứ. Tôi tự hứa với bản thân rằng tôi sẽ luyện nói tiếng Anh như người bản xứ, để khi tôi nói không ai phải hỏi lại vì phát âm sai nữa. Và để tôi có thể được tự do thể hiện bản thân, là chính tôi chứ không phải giấu mình trong vỏ ốc, không phải e sợ khi cất tiếng nói nữa.
Tôi học rất tốt ở trường, về nhà tôi giao tiếp với gia đình host, lắng nghe từng từ họ nói, cách họ nói như thế nào. Tôi cũng xem phim Friends, xem đi xem lại rất nhiều lần, xem hết tất cả các phần không biết chán, biết mệt. Điều đó giúp tôi thuộc làu lời thoại nhân vật và cả các chi tiết trong phim. Tôi cũng tự tìm hiểu cách phát âm từ tiếng Anh, bảng International Phonetic Alphabet. Rồi tôi tự thu tiếng anh mình nói, sau đó phân tích xem tôi nói đã đúng chưa, nếu sai, tôi sai ở đâu để sửa đổi và nói tốt hơn. Tiếng Anh Mỹ rất khác với tiếng Anh Anh, họ nối từ rất nhiều, nếu không biết quy luật này mà phát âm từng từ riêng rẽ thì sẽ không thể nói như người bản xứ được. Tôi cố gắng và cố gắng. Sau 1 năm, tôi tốt nghiệp Trung học tại Mỹ với số điểm tuyệt đối 4.0.
Tôi vào Đại học và quyết định theo ngành Phát thanh - Truyền hình. Lại một lần nữa tiếng Anh không chuẩn cản trở việc học của tôi. Trường tôi học yêu cầu sinh viên phải qua được bài đọc phát thanh với giọng chuẩn của Mỹ, kể cả giọng Mỹ nhưng giọng địa phương miền Nam hay giọng New England cũng ko được. Tôi lại fail lần nữa và buộc phải chuyển sang ngành Truyền thông. Thực ra hai ngành cũng khá giống nhau, chỉ khác một điều nếu không học Phát thanh Truyền hình, tôi sẽ không thể lên làm BTV truyền hình ở Mỹ. Ok I'm fine. Tôi đứng sau cánh gà cũng được. Nhưng điều đó không có nghĩa tôi có thể nói tiếng Anh sai. Khi học Đại học, tôi trưởng thành hơn nhiều, tính tôi vui vẻ hòa đồng nên các bạn Mỹ quý lắm. Tôi có một nhóm bạn thân 5 đứa đi đâu cũng có nhau. Nghỉ lễ nào tôi cũng về nhà các bạn ăn dầm ở dề cả tháng trời, nhà bạn đi đâu cũng vác tôi theo. Tôi hoà nhập vào cuộc sống Mỹ, và càng quyết tâm "nói giống người Mỹ".
Nhờ nỗ lực cố gắng tôi từng bước hòa nhập vào cuộc sống Mỹ
Tôi tốt nghiệp Đại học sau 4 năm và thành quả của tôi là nói chuyện điện thoại với bà của bạn thân cùng phòng, bà bảo "trời bà nghe cứ tưởng đang nói chuyện với cô gái Mỹ, chứ không phải người Việt Nam da vàng mắt híp nè", và thêm nữa tôi gọi điện cho em gái của một bạn khác để hỏi thăm thì em nói "trời, tao không nhận ra giọng mày, vì...mày là người Mỹ rồi". Tôi cười, trong lòng sung sướng lắm, không phải vì tôi đã giống người Mỹ, mà vì tôi đã đạt được ước mơ của mình.
Hành trình học nói tiếng Anh của tôi từ khi tôi nhận ra khuyết điểm của mình là 5 năm. Không hề dễ dàng và không hề ngắn. Tôi trải qua bao nhiêu lần ê mặt vì nói sai, cái này bạn nào học tiếng Anh chắc hiểu, khi từ "sheet" mà bị nói nhầm, hoặc từ "beach" lại thành từ khác, hay từ "peace" mà nói thành chửi bậy... Ôi những giây phút đó tôi chỉ muốn chui xuống đất. Nhưng tôi luôn hỏi các bạn của mình cách phát âm từ này ra sao, từ kia thế nào. Các bạn ấy hãy chỉnh cho tôi nếu tôi nói sai vì tôi không ngại các bạn cười chê, tôi muốn nói tốt, hoàn hảo, vậy nên tôi chấp nhận sai, chấp nhận sửa lại. Một lần nữa, quyết tâm đã giúp tôi thành công.
Đến bây giờ, tôi vẫn hàng ngày xem phim Friends hoặc How I met Your Mother, đọc sách báo, học các khóa học online của Coursera, tôi biết kiến thức không bao giờ là đủ. Và nếu tôi không trau dồi bản thân, tôi sẽ lạc hậu và đứng lại.
Tôi cũng tự lên Youtube học cách cầm cọ vẽ, cách phối màu, cách tạo khối,... để vẽ tranh sơn dầu. Thật ngạc nhiên là sau một tháng trời tự học tôi cũng hoàn thành tác phẩm đầu tiên của mình (tôi vẽ con trai lớn). Nhìn lại sản phẩm phải giống đến 80%. Tôi vui lắm, không ngờ trong người mình cũng có năng khiếu hội họa mà bấy lâu tôi chưa phát hiện ra. Tôi cứ đứng ngắm mãi tác phẩm đầu tay của mình mà thấy một phần thỏa mãn, tự dào dâng lên trong lòng. Nhưng điều quan trọng nhất là tôi tự thấy phải cảm ơn bản thân rất nhiều, luôn kiên trì, phấn đấu để đạt được những điều mà mình mong muốn.
Lại kể đến việc học đàn, tôi được tặng một cây đàn Piano cho con trai tập đánh. Từ trước đến nay, tôi luôn xấu hổ về giọng hát và khả năng âm nhạc của mình. Nhưng tôi rất thích một vài ca khúc của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và quyết tâm tập một bài để vừa đàn vừa hát được. Tôi lại say mê lên mạng học về nốt, về nhịp, về phách, rồi cách đọc nhạc, cách để tay, cách bấm phím. Sau 1 tuần, tôi chơi được đoạn đầu bản nhạc "Còn tuổi nào cho em" và đệm đàn tự hát được cả bài.
Tôi còn rất rất nhiều những câu chuyện quyết tâm nho nhỏ như vậy nữa và kết quả tôi thu được đều là tốt đẹp cả. Không phải tôi khoe với bạn là tôi may mắn bao nhiêu hay tôi tài giỏi như thế nào. Tôi kể ra những câu truyện chính bản thân mình từng trải qua để nhấn mạnh với các chị em phụ nữ rằng chỉ cần bạn có mục tiêu, có sự kiên định trong con đường mình chọn để luôn tiến về mục tiêu ấy. Tôi tin rằng, bạn chắc chắn sẽ đạt được như ý nguyện trong thời gian ngắn hoặc dài mà thôi.
Hiện nay, tôi rất thỏa mãn khi trở thành người tích cực lan tỏa năng lượng tích cực đến với mọi người, nhất là các chị em phụ nữ như tôi. Trong quá trình luôn hoàn thiện bản thân mình, tôi rút ra được một số yếu tố giúp tôi và mọi người có thể thành công trong cuộc sống của mình hơn:
1. Phải luôn có quyết tâm, không bao giờ bỏ cuộc và luôn nghĩ mình làm được, những điều bạn nghĩ sẽ trở thành hiện thực. Không điều gì là không thể, đừng tự giới hạn mình để tuột mất đi cơ hội.
2. Học, học nữa, học mãi. Không phải đến lớp mới là học, bạn có thể học bất cứ thứ gì xung quanh mình để trở lên tốt hơn, có kiến thức hơn. Tinh thần tự học hỏi là yếu tố kiên quyết trong quá trình học tập và rèn luyện của bạn đạt hiệu quả.
3. Luôn chuẩn bị sẵn sàng trạng thái đón chờ cơ hội đến, bạn có đủ điều kiện và khả năng để nắm bắt và biến cơ hội đó thành lực đẩy giúp bạn đi cao, đi xa hơn đó.
4. Luôn lạc quan tươi vui yêu đời. Cái này nói thì dễ tưởng chừng như ai cũng có thể làm được nhưng có rất nhiều người cả đời cũng không thể thoát ra khỏi những rằng buộc của bản thân để vui vẻ sống cuộc đời mình. Tôi hay cười lắm, và tôi lại càng không hằn học, soi mói hay đi nói xấu người khác. Nhờ thế mà dường như mọi người đều thích gần tôi hơn, có lẽ ở cạnh tôi lúc nào mọi người cũng thấy vui vẻ, thoải mái và luôn được tiếp nhận các nguồn năng lượng tích cực.
5. Đừng ngại cống hiến: có nhiều người nói "tôi không được trả lương để làm mảng này, tôi không phải làm". Bạn không phải làm nhưng bạn nên làm, những điều bạn làm sẽ giúp trau dồi bản thân. Và tất nhiên, những cống hiến của bạn sớm hay muộn cũng sẽ được chú ý và thưởng xứng đáng. Tin tôi đi, bạn không làm người ta sẽ ko nhớ đến bạn, còn nếu bạn làm thì dù thế nào đi chăng nữa, mọi người sẽ rất biết ơn.
6. Chăm sóc bản thân để mình thật đẹp. Nói thật là, trước đây hồi cấp 3, tôi ít khi quan tâm đến thời trang và xu hướng, tôi ăn mặc khá đơn giản. Khi tôi đến một môi trường mới lại thành ra không có gì nổi bật. Nhưng sau đó, tôi nhận ra rằng vẻ đẹp tâm hồn rất là quan trọng, nhưng đừng vì thế mà coi nhẹ hay bỏ qua vẻ đẹp hình thức của chính bản thân mình không chăm sóc. Điều đó là hoàn toàn sai lầm mà hiện nay tôi thấy vẫn rất nhiều chị em vẫn có tư tưởng đó. Xã hội ngày càng phát triển nên vẻ đẹp hình thức ngày càng được chú trọng và đầu tư hơn rất nhiều. Tôi thấy người nào đẹp cũng thường được chú ý hơn vì ai chả thích ngắm nhìn cái đẹp cho đã con mắt, nhỉ? Vì vậy, tôi cũng quyết tâm mình cũng phải đẹp, đẹp từ tâm hồn cho đến ngoại hình. Tháng nào tôi cũng đi làm đẹp spa, tôi chăm sóc da rất kỹ lưỡng và luôn chú ý vào cách ăn mặc của mình. Cũng có thể vì thế mà tôi đi đâu cũng thường được mọi người quan tâm, và sau khi nói chuyện thì ai cũng quý mến tôi.
- Tâm sự -
>> Xem thêm: Các ý tưởng kinh doanh bạn có thể thực hiện được