Có nhiều người nói với tôi, hôn nhân là nấm mồ của tình yêu, là nguyên nhân để giết chết những mộng mơ hường phấn, những ngọt ngào thuở ban đầu. Nào là, lấy nhau rồi, tình cảm giữa hai người rồi cũng sẽ bị cơm áo gạo tiền vùi lấp, rồi là vợ chồng là phải cãi nhau nảy lửa như thế đấy. Lúc ấy tôi chưa lấy chồng, chưa kiểm chứng được lời nói của các chị nên không thể phản bác. Nhưng từ đó, tôi thường xuyên để ý tình trạng của những cặp vợ chồng xung quanh mình, rồi đến khi tôi lấy chồng. Thì cũng không giống như tình trạng của những người ấy hay nói với tôi. Tôi ấn tượng nhất là chuyện tình cảm của chị N, chị là hàng xóm của tôi.
Chị N và chồng chị lấy nhau là do có con trước khi đám cưới. Nhưng lúc đó chị vui sướng lắm, chị yêu anh, chị nguyện ý lấy anh. Và chị N cũng nghĩ rằng chắc hẳn anh cũng rất yêu chị nên mới lấy chị chứ không phải do chịu trách nhiệm với chị mới lấy. Trở thành vợ của anh, chị bảo mình nghỉ việc hoàn toàn ở nhà để tĩnh thai. Cả ngày hết xem phim này rồi đến phim kia, chị có thể ngồi hàng giờ để lướt face, hóng các thông tin "bát quái" của mấy báo lá cải đưa rồi chờ chồng về nhà, chị coi chồng mình là trung tâm vũ trụ, mặc nhiên trở thành "cây tầm gửi" sống dựa vào chồng. Chị coi đó là hạnh phúc, là cuộc hôn nhân của chị rất mỹ mãn cho đến một ngày, chị phát hiện chồng mình ngoại tình. Sấm sét giữa trời quang đã đánh chị thức tỉnh giữa cơn mê dài. Để chị có khoảng tĩnh tâm nhìn lại cuộc hôn nhân mình vẫn cho là hạnh phúc thực chất là gì. Chị nên lựa chọn tha thứ cho anh ấy hay không. Chị cũng tự nhìn nhận lại bản thân trong mấy năm qua mình là người vợ như thế nào. Chị N phát hiện ra, ngoại trừ nằm ì ạch một chỗ không vận động, không đọc sách, không tích lũy thêm được kiến thức gì cả. Chồng về muốn chia sẻ về chuyện công ty nhưng chị cũng không biết để đưa ra ý kiến và nhận xét của mình. Ngược lại với cô gái kia, cô ta là đồng nghiệp của chồng, xinh đẹp, giỏi giang lại thấu hiểu lòng người. Nhìn nhận lại bản thân, mới 23 tuổi mà thân hình như một bà cô ngoài 30 tuổi, da dẻ nhợt nhạt thiếu sức sống.
Cuộc hôn nhân tưởng chừng đang hạnh phúc viên mãn thì phát hiện chồng ngoại tình
>>Xem thêm: Sự hấp dẫn ở một người phụ nữ
Chị N hiểu ra rằng, nếu muốn giữ chồng, để chồng yêu mình thì phải tự thay đổi bản thân mình, để mình trở lên thật quý giá. Vậy là, chị N bắt đầu hành trình tìm lại bản thân, chị học cách yêu thương chính bản thân mình, học cách trao yêu thương người khác. Chị dần dần thay đổi, và chồng chị là người thấy rõ nhất, anh dần trở lên quan tâm chị hơn, chăm sóc chị hơn. Đến bây giờ, qua 16 năm cuộc sống hôn nhân, chị N đang rất hạnh phúc với một người chồng hết mực yêu thương vợ và hai đứa con ngoan ngoãn, hiểu chuyện. Chị đã biến một người chồng bảo thủ, cứng nhắc và tự phụ thành một người đàn ông ấm áp, thương vợ chiều con và luôn suy nghĩ đến cảm nhận của vợ đầu tiên khi làm bất cứ chuyện gì.
Chị N từ một người luôn sống phụ thuộc, dựa dẫm vào chồng, giờ đây chị cũng có sự nghiệp riêng, có các mối quan hệ riêng. Chị cố gắng trở thành một người độc lập về mặt tài chính, tự chủ về mặt tinh thần. Chị đã cho chồng mình thấy rằng, vợ anh là một viên ngọc sáng giá trị độc nhất vô nhị trên thế gian này, anh không giữ vợ thì mất đừng có tìm. Và đúng như những gì chị N mong muốn, chồng càng ngày càng yêu chiều chị hơn. Chị N bồi đắp cuộc hôn nhân của mình thông qua 4 nguyên tắc sau:
Thứ nhất là sự tôn trọng. Chị N hiểu rằng đối với mối quan hệ giữa hai người, nhất là hai vợ chồng thì sự tôn trọng càng phải được coi trọng. Mới tạo dựng được quan hệ vợ chồng bền chặt, gắn bó. Theo tôi quan sát, các cặp vợ chồng khi sống lâu ngày với nhau thường có khuynh hướng "coi thường" nhau. Vì đã quá gần gũi và hiểu biết nhau, nhìn thấy những tính xấu và khuyết điểm của nhau nên dẫn đến hình tượng tốt đẹp của đối phương trong tâm chí bị đập nát hoàn toàn, sự hấp dẫn và thu hút của đối phương thủa ban đầu đâu còn, chỉ còn lại là sự khó chịu, mỉa móc đối phương.
Do đó, chị N luôn biết cách ứng xử với chồng, nghe thì có vẻ chị N khách sáo, xa cách với chồng nhưng đây là một nghệ thuật giao tiếp với chồng đó nhé. Chị luôn nói chuyện nhẹ nhàng ôn hòa với chồng. Dù có những lúc chị giận chồng đến xây xẩm mặt mày, chị sẽ ngừng không nói chuyện nữa mà đi ra chỗ khác để ổn định tâm tình, để tránh việc giận quá mất khôn mà buông ra những lời nói khiến đối phương đau lòng. Vợ chồng chị N quy định với nhau, nếu ai đó làm gì sai thì bắt buộc phải là người xin lỗi đối phương đầu tiên, và lời cảm ơn sẽ không thể thiếu trong cuộc sống vợ chồng của hai người nếu người này làm chuyện gì đó cho người kia.
Nhiều người khi nghe chị N nói chuyện thì thường kêu sao vợ chồng mà nói chuyện lịch sự với nhau như thế. Nhưng chị chỉ cười và nói, đó là cách chị xây dựng sự tôn trọng giữa mình với chồng. Dù là người thân hay là vợ chồng với nhau, thì cũng phải giành cho nhau một sự tôn trọng như tôn trọng chính bản thân mình. Từ lời ăn tiếng nói đến cách giao tiếp ứng xử phải thể hiện được điều đó, có như vậy mối quan hệ với vợ chồng mới gắn bó, bền chặt.
Thứ 2 là lòng tin, đây là yếu tố không thể thiếu trong cuộc hôn nhân của chị N. Chị N cho rằng, để cuộc sống hôn nhân được bền vững thì đối phương phải tin tưởng nhau, đây là điều khá khó thực hiện được. Nhưng nếu làm được thì sẽ giúp mối quan hệ của cặp vợ chồng phát triển nên một tầng cao mới. Chị N tạo dựng lòng tin với chồng bằng cách thường xuyên nói chuyện, kết nối với chồng hằng ngày. Cùng chia sẻ những khó khăn, suy nghĩ của chồng và đưa ra lời khuyên hợp lý cho chồng. Cho đến bây giờ, vợ chồng chị N như hai người tri kỷ với nhau, có chuyện gì cũng kể cho đối phương nghe, nhận ý kiến của đối phương. Chị N nhấn mạnh rằng, việc vợ chồng không tương tác, kết nối sẽ là nguyên nhân đẩy nhau ra xa hơn. suy nghĩ của đàn ông và đàn bà đã vốn dĩ đã rất khác nhau, nếu như không có sự kết nối, thì khoảng cách giữa hai vợ chồng lại ngày càng xa hơn. Đặc biệt là phụ nữ thường cả nghĩ, nhạy cảm nếu như không được đối thoại thì sự nghi ngờ trong lòng sẽ ngày một lớn dần lên.
Điều thứ 3 là chia sẻ. Xuất phát từ những cuộc nói chuyện, trao đổi hàng ngày, vợ chồng chị N luôn thấu hiểu đối phương nhất. Những lo lắng, những nỗi buồn hay niềm vui về một cái gì đó điều được đối phương nắm rõ và cảm nhận cùng nhau. Điều đó càng kích thích sự chia sẻ của đối phương. Từ việc anh ấy dậy sớm chuẩn bị đồ ăn sáng, đưa trẻ con đi học, đưa vợ đi làm, đón con, đi chợ, nấu cơm, dọn dẹp nhà cửa… mà không chút nề hà hay khó chịu. Vì anh ấy biết, anh ấy cố làm thêm một việc thì tôi sẽ có thêm thời gian cho công việc của mình. Rồi ngay cả tâm tư tình cảm, những xáo trộn trong mỗi giai đoạn, mỗi thời kỳ chúng tôi đều chủ động chia sẻ, không dấu diếm, không lấp liếm. Để có được việc tưởng chừng như đơn giản ấy tôi cũng đã tổn nhiều năm, nhiều công sức chủ chia sẻ, chủ động yêu cầu, chủ động đề xuất. Đôi lúc cũng không biết liệu nó có tác dụng hay không. Nhưng vẫn là câu nói: hãy cứ hành động ngay cả khi bạn chưa sẵn. Để đến khi hành động đủ nhiều thì tự khắc kết quả sẽ đến.
Sẻ chia để tạo nên sự đồng điệu trong tâm hồn giữa hai vợ chồng điều tưởng dễ nhưng lại khó
Điều thứ 4 đó là sự bao dung. Cuộc hôn nhân của chị N nếu thiếu sự bao dung, có lẽ bây giờ kết quả sẽ hoàn toàn khác. Chị tha thứ cho chồng cũng như không ngừng hoàn thành bản thân mình. Chị cho chồng một cơ hội cũng như cho mình một cơ hội để làm lại từ đầu. Chị chấp nhận tha thứ và không bao giờ lôi sai lầm của chồng ra để trì triết, làm hạ nhục chồng. Đến bây giờ, chồng chị N vẫn luôn nhìn chị với ánh mắt tán thưởng, biết ơn về sự bao dung, độ lượng của chị N dành cho mình.
Nhìn gia đình chị N hạnh phúc đi chơi vào cuối tuần, trong lòng tôi lại cảm thấy một niềm rung động, miệng lại không kìm được mà nở một nụ cười nhẹ. Chị N dạy cho tôi rằng, hạnh phúc không phải là yếu tố may mắn, mà là hạt mầm do ta vun trồng, chăm sóc cho nó nảy mầm, phát triển, ra hoa kết quả. Chỉ cần chăm chỉ, nỗ lực, đến cuối cùng, chờ ta cũng sẽ là những trái ngọt mang tên hạnh phúc.
>> Xem thêm: Để trở thành người phụ nữ hạnh phúc trong hôn nhân