Hồi nhỏ, cuộc sống của gia đình tôi khá đầy đủ. Bố mẹ tôi đều làm trong nhà nước, nhà tôi còn mở thêm một đại lý lớn chuyên cung cấp nhu yếu phẩm cho người dân trong huyện. Do đó, gia đình tôi cũng thuộc vào diện khá giả, cuộc sống hồi nhỏ của tôi khá đủ đầy. Cho đến khi, anh lớn của tôi đi học đại học, tôi đỗ vào trường cấp 3 chuyên ở trên tỉnh, sóng gió đã bắt đầu ập đến gia đình tôi. Bố tôi bất ngờ được chẩn đoán mắc ung thư tụy, trong vòng chưa đầy 2 tháng người ông gầy rộc đi, mẹ con tôi cố gắng chạy chữa cho bố nhưng không được. Tôi vẫn nhớ, sáng chủ nhật hôm ấy, tôi được nghỉ học là sẽ lên bệnh viện K thăm bố ngay, cơn đau dữ dội hôm đấy đã cướp mất người chồng của mẹ, người bố của chúng tôi đi rồi. Bố cứ dưới ánh mắt của mẹ con tôi mà đi như thế, đột ngột, chưa một lời trăn trối. Kéo theo đó, cửa hàng nhà tôi làm ăn sa sút và vỡ nợ. Mẹ phải phải bán hết nhà cửa, tài sản đi nhưng vẫn chưa trả hết nợ. Có thể nói, đó là quãng thời gian tăm tối nhất cuộc đời con bé 16 tuổi như tôi. Đau khổ vì mất bố, không có nhà để về, hàng xóm xung quanh bàn tán đặt điều. Rồi những trận cãi vã giữa 3 mẹ con ngày càng nhiều, trái tim tuổi 16 non nớt của tôi khi ấy chỉ biết đến đau khổ, cảm thấy bầu trời như sụp xuống rồi, cuộc đời của mình sẽ chìm mãi trong những tăm tối của cuộc sống này. Tôi vẫn nhớ như in, một lần cãi vã với mẹ mà cả đời này tôi không thể nào quên. Mẹ tôi nói "Con tưởng mẹ nhanh quên bố con vậy sao? Con tưởng mẹ đến với ông ấy chỉ vì mẹ ích kỷ cho hạnh phúc riêng của mẹ sao? Một mình mẹ thực sự không thể gánh vác được số nợ trên vai và lo cho các con học tiếp, người ngoài có thể không hiểu, nhưng mẹ thực sự cần con hiểu cho mẹ”. Đúng vậy, mẹ tôi cặp với một người đàn ông giàu có trong vùng để có tiền trả nợ và nuôi chúng tôi ăn học. Đó cũng là lý do vì sao gia đình tôi luôn là nhân vật chính của những cuộc bàn tán của hàng xóm, họ hàng.
Mẹ tôi cặp với một người đàn ông giàu có trong vùng để có tiền trả nợ và nuôi chúng tôi ăn học
>>Xem thêm: Niềm hạnh phúc giản đơn của một bà mẹ đơn thân
Tôi lúc đó chỉ biết oán trách mẹ tại sao lại hành động như vậy để bị mọi người mắng chửi, oán trách số phận sao đẩy mình vào tuyệt cảnh như thế này. Tôi lúc đó phụ thuộc quá nhiều vào lời nói của người khác mà quên mất không đặt mình vào địa vị vào của mẹ, là mẹ lúc đó đã phải chịu áp lực như thế nào.
Có thể nói, kể từ khi biến cố gia đình tôi ập đến, trái tim tôi mong manh và yếu đuối đến lạ. Càng như thế, tôi càng tỏ ra với bạn bè mình là một người vui vẻ, lạc quan. Nhưng chỉ cần một gia đình có cả cha mẹ và đứa con vui vẻ đi ngang qua cũng khiến lòng tôi quặn lại. Đã biết bao nhiêu đêm tôi nghĩ đến bố, đến gia đình mình mà khóc ướt hết cả gối. Chính là tôi đang hoài niệm quãng thời gian tươi đẹp, hạnh phúc đủ đầy ngày trước của mình mà đau lòng, mà khó chịu.
Do đó, khi lập gia đình, thứ tôi mong đợi không phải là giàu sang, phú quý mà chỉ cần thành viên trong gia đình luôn khỏe mạnh, vui vẻ và bình yên hưởng thụ cuộc sống mà thôi. Điều đó đồng nghĩa với việc tôi luôn là người nghĩ cho cảm xúc của chồng để gia đình được ấm êm. Trong suốt 4 năm lấy nhau, vợ chồng tôi hầu như không cãi vã. Vì cứ có xung đột, tôi sẽ làm theo ý kiến của chồng. Sẽ có những người bảo, nhẫn nhục như vậy có chịu được cả đời không? Nhưng đối với tôi lúc đó, hòa khí gia đình là trên hết, tôi có thể hi sinh mọi thứ của mình để duy trì cuộc sống hôn nhân bình yên.
Thế nhưng, có phải ông trời luôn muốn thử thách sức chịu đựng của tôi hay không mà biến cố lại ập đến với gia đình nhỏ của tôi. Tôi sinh được 2 đứa con, cháu lớn là gái, cháu nhỏ là trai. Bỗng một hôm có cuộc điện thoại bất ngờ từ trường mầm non của con trai út tôi gọi về. Thông tin như sét đánh ngang tai là con trai tôi bị sặc cháo, phải đưa đi cấp cứu ở bệnh viện tuyến quận. Với kinh nghiệm trong cuộc sống của mình, chồng tôi biết hệ quả của việc này sẽ khiến đứa con trai bé bỏng của chúng tôi ra sao. Anh không thể bình tĩnh được nữa mà liên tiếp đập đầu vào tường, người phát run không ngừng. Còn cảm xúc khi ấy của tôi, trái ngược với chồng, tôi bình tĩnh đến lạ đợi thông tin từ phòng cấp cứu. Khi bác sĩ bước ra từ phòng cấp cứu với ánh mắt đỏ hoe lắc đầu, tôi vẫn quyết định chuyển con trai lên tuyến trên. Họ nói với tôi rằng có thể con trai tôi sẽ “ra đi” ngay trên đường và yêu cầu chồng tôi lên xe cấp cứu đi cùng. Nhưng chồng tôi khi ấy đôi mắt thẫn thờ, đôi môi tím tái lập cập vào nhau. Tôi quyết định ngồi ngay lên xe cấp cứu để di chuyển luôn đến bệnh viện tuyến trên một cách nhanh nhất. Lúc đó tôi cũng không quên gọi người nhà lên để hỗ trợ cho chồng tôi.
Đến bệnh viện Nhi đồng 1, tôi chạy theo con vào phòng cấp cứu với hai hàng nước mắt lăn dài, chỉ khẩn thiết cầu xin bác sĩ bằng mọi cách hãy cứu lấy mạng sống yếu ớt của con trai tôi. Một lát sau, bác sĩ cũng bước ra khỏi buồng bệnh lắc đầu nói :"Trường hợp này rất khó chữa trị cho cháu bé, nếu cứu sống được cũng sẽ không lành lặn". Tai tôi như ù đi, người như mất trọng lượng mà lăn xuống thềm bậc thang.
Sau đó, con tôi được chuyển xuống khoa hồi sức tích cực, bác sĩ phụ trách làm công tác tư tưởng cho hai vợ chồng tôi, có thể tình trạng xấu nhất là cháu bỏ chúng tôi mà ra đi. Cứ tưởng tôi đã chạm đến hạnh phúc rồi, mà giờ đây những ngày tháng như địa ngục tuổi 16 năm xưa lại ùa về. Lúc đó tôi còn nghĩ, liệu có phải kiếp trước mình làm gì sai trái mà kiếp này gia đình của tôi lại toàn gặp phải những “tai ương” như vậy. Hằng ngày, vợ chồng tôi chỉ có 30 phút để vào thăm cháu, còn lại sẽ là ở phòng chờ nhỡ có chuyện gì khẩn cấp thì sẽ có mặt ngay. Tâm lý của tôi khi đó khá bất ổn, có những lúc tôi mệt mỏi đến ngất lịm đi, tay chân co giật không ngừng. Nếu không có chồng tôi bên cạnh thì không biết tôi sẽ ra sao nữa. Cứ mỗi lần ở phòng chờ nhìn bác sĩ vào khám cho con tôi, hai vợ chồng lại ôm chặt lấy nhau, chỉ sợ bác sĩ đi ra báo thêm một tin dữ nào đó, chúng tôi sẽ không thể trụ được mất. Thế rồi con tôi nó cũng tỉnh dậy, đó là vào buổi sáng vợ chồng tôi vào thăm cháu. Cháu động đậy ngón chân nhỏ xinh rồi từ từ mở mắt ra. Nhưng điều gì đến cũng phải đến, ánh mắt linh động ngày nào luôn nhìn tôi cười toe toét giờ vô hồn, ngơ ngác.
Sau hơn 3 tháng nằm cấp cứu, cuối cùng con tôi cũng được xuất viện trong tình trạng mất hết tri giác, ngày đêm cháu đều gào khóc. Bác sĩ khuyên bệnh của cháu không thể chữa khỏi, người nhà đừng cố gắng chạy chữa nữa kẻo tiềm mất mà tật thì vẫn mang. Nhưng vợ chồng tôi chưa hết hy vọng, chúng tôi đưa con đi hết trời nam, đất bắc, thuốc đông, thuốc tây đều thử qua. Thấy chỗ này mách thầy giỏi, chỗ kia mách thuốc tốt chúng tôi đều mang cháu đến chỉ để mong có một phép màu cứu chữa cho đứa con tội nghiệp của chúng tôi. Nhưng trong suốt nửa năm ròng rã sau đó, tình trạng của con cũng không cải thiện lên. Chúng tôi đành đem con về nhà kiên trì luyện tập vật lý trị liệu theo lời khuyên của bác sĩ.
Hai năm đầu khi con bị bệnh là cả một quá trình gian khổ với gia đình tôi. Con khóc suốt ngày đêm không ngủ, ăn thì ói liên tục. Rồi những tiếng cãi vã suốt hiện giữa hai vợ chồng vì quá mệt mỏi và căng thẳng. Cả hai người đều bạc cả tóc, chồng tôi mắc sỏi thận vì ngồi ôm con quá lâu mà không đi lại, ít đi vệ sinh và ít uống nước, còn tôi bị béo phì do stress và thiếu ngủ, xuất hiện khối u trong cổ tử cung do nội tiết tố thay đổi.
Trong suốt thời gian khó khăn ấy, chúng tôi đã nhận được biết bao sự giúp đỡ của bạn bè, người thân và cả những người xa lạ. Tôi biết có những ân tình mà có lẽ cả đời này vợ chồng chúng tôi không thể trả hết. Tôi cũng dần biết đến có rất nhiều gia đình có hoàn cảnh như gia đình tôi. Tôi hiểu ra rằng, tôi nếu không thể trả hết ân tình cho tất cả những người đã giúp đỡ tôi, nhưng tôi cũng phải sống sao cho thật ý nghĩa để không phụ những ân tình đó của họ, ít nhất tôi phải vực lại gia đình tôi, chồng tôi và con tôi, cả tôi nữa, chứ không thể sống mãi trong đau khổ như thế này được.
Tôi bắt đầu có những suy nghĩ lạc quan hơn, tôi bỏ ngoài tai những lời lẽ tiêu cực, những ánh mắt và lời nói ác ý, sự thương hại không có thiện ý ra khỏi cuộc sống của mình. Ngày nào cũng vậy, tôi đều hát và kể chuyện cho con trai nghe nhằm kích thích ý thức của cháu. Tôi hỏi cháu rất nhiều câu hỏi và cũng tự giả giọng cháu đáp lại lời chính mình để tự làm mình vui lên. Cứ như thế, căn nhà nhỏ của chúng tôi lại tràn ngập tiếng cười, tiếng nói như ngày trước. Cháu gái lớn của chúng tôi rất ngoan và hiếu động, tuy còn nhỏ nhưng cháu cũng hiểu được hoàn cảnh một phần của gia đình mình. Khi tôi làm trò, cháu đều phụ họa góp vui cũng giúp không khí gia đình rộn ràng hẳn lên. Có lẽ, nguồn năng lượng tích cực của chúng tôi đã ảnh hưởng tốt đến con trai. Cháu không còn khóc quấy nhiều nữa, ánh mắt cũng có thần hơn, ban đêm cháu cũng ngủ được những giấc ngủ dài hơn trước rất nhiều. Và đặc biệt, cháu cũng đã biết cười, biết phản ứng lại những gì tôi nói. Hàm răng của cháu cụt ngủn vì uống quá nhiều thuốc kháng sinh khi nhếch lên cũng khiến tôi hạnh phúc.
Tôi lại càng có động động lực để sống lạc quan hơn. Tôi đưa con đi du lịch. Tôi biết quan tâm đến bản thân hơn trước. Mặc dù rất ít thời gian rảnh, vì hiện giờ con tôi vẫn luôn phải bế trên tay, trừ lúc ngủ, nhưng tôi vẫn tìm mọi cách để có thể chăm sóc cho chính mình. Chẳng hạn: vừa bế con, vừa bôi kem chống nắng, vừa đắp mặt, hay bôi kem dưỡng ẩm. Tôi hỏi cháu “Mẹ có đẹp không?”, và dạy cháu nếu đồng tình thì cúi đầu xuống, và giờ thì cu cậu biết cúi đầu xuống rồi đó, dù mắt chẳng nhìn mẹ bao giờ! Tôi tin, tâm hồn nó đã thức giấc. Chắc chắn là như thế!
Thời gian và tiền bạc đều hạn chế, tôi không có tiền đi đến phòng tập yoga, tập gym, thì tôi tự mở youtube ở nhà để tập. Tôi trở lại công việc nghề giáo của mình với một tâm thế và trái tim hoàn toàn khác. Tôi cảm thấy yêu nghề giáo hơn bất cứ khi nào. Nhìn thấy ánh mắt ngây thơ, tinh nghịch cùng nụ cười rộn ràng của các bé mà lòng tôi thấy mềm mại và nhẹ nhàng hơn rất nhiều. Tôi quan tâm hơn đến những em cá biệt, hay những em có biểu hiện khác biệt so với những em khác. Bởi tôi hiểu, mọi chuyện xảy ra đều có lý do riêng, và sau mỗi đứa trẻ, dù ngoan hay không, dù nhanh nhẹn hay chậm chạp là những hy vọng, những xúc cảm rất khó tả của những người làm cha, làm mẹ.
Sau một thời gian sống bằng những suy nghĩ và hành động tích cực thì tôi đã có những kết quả đáng kể: tôi cảm giác con tôi hiểu rất nhiều điều tôi nói mặc dù con không biểu hiện được ra ngoài. Con vui vẻ, ăn ngoan , ngủ ngoan hơn. Tôi giảm 10kg, đi khám khối u cổ tử cung tự động teo nhỏ, da tôi đẹp hơn trước rất nhiều, nhiều người khen tôi trẻ hơn cả trước khi tôi gặp biến cố. Chồng tôi vui vẻ hơn, anh không còn mất ngủ và trầm cảm như trước kia. Công việc kinh doanh của anh cũng đã ổn định và phát triển, dù gặp các đợt dịch Covy càn quét.
Sống bằng những suy nghĩ và hành động tích cực tôi đã nhận được kết quả tốt đẹp hơn
Đến giờ, mọi thứ của gia đình tôi dần trở lại bình thường, chúng tôi sẽ luôn cố gắng duy trì hạnh phúc của gia đình mình. Tôi kể cho các bạn nghe câu truyện của gia đình mình với chỉ với mong muốn chia sẻ một ít năng lượng tốt tới tất cả mọi người. Nếu ai đang ở trong hoàn cảnh khó khăn thì hãy luôn lạc quan và vững bước, mọi khó khăn đều sẽ qua, chỉ cần bạn kiên trì và cố gắng, hạnh phúc sẽ lại đến với bạn, nhé!
>> Xem thêm: Làm sao để trở thành một người phụ nữ luôn hạnh phúc trong hôn nhân