Có quan điểm rằng, “Lấy vợ, lấy chồng như một canh bạc. Lấy được người tốt thì cuộc đời mình sung sướng, lấy được người không tốt thì cuộc sống mình sẽ là địa ngục”. Tôi không hề tán đồng cách nói này, người mình lấy làm vợ hay làm chồng là do mình chọn. Bây giờ là thời hiện đại, không ai bắt ép được mình phải lấy người mình không muốn cả. Kể cả sau khi đã kết hôn và có con, không ai bắt ép được mình phải chịu đựng một cuộc hôn nhân lúc nào cũng sống trong sự căng thẳng, hằn học và thù địch với người kia được. Tất cả, đều là do sự lựa chọn của chính bản thân mình.
Và cuộc sống hôn nhân nhà bác trong khu nhà tôi, cũng chính là điển hình như thế. Để tôi kể cho các bạn nghe nhé.
Hai bác đã cưới nhau được 40 năm rồi, có với nhau được ba người con nhưng có đến 20 năm là sống chung một nhà nhưng riêng phòng ngủ, ăn riêng, sinh hoạt phí chia đôi. Người chồng là công an, người vợ làm nhân viên của một nhà máy may tại Hà Nội. Cách đó hơn 20 năm, hai bác cũng đã từng đâm đơn ra tòa để ly hôn, nhưng vì phần tài sản chưa được thống nhất phân chia, nên hai bác đều quyết định sẽ ở với nhau và dày vò nhau như vậy cho đến cuối đời.
Tôi còn nhớ mãi ngày bé, tôi hay sang nhà bác chơi để vặt ổi đào. Cây ổi nhà bác ngon thuộc hạng hiếm có trong làng. Không chỉ tôi, lũ trẻ xung quanh làng đều nhăm nhe cây ổi đào này, có khi chúng tôi còn phải tranh giành những quả ổi với lũ chim nữa ấy.
Cho đến một ngày, tôi cũng sang nhà bác như thế, tiện xin mấy quả ổi. Nhưng khi đến cửa cổng, tôi đã thấy hai bác đứng trước cây ổi cãi nhau hăng say lắm. Bác trai muốn chặt cây ổi đi để trồng cây hoa leo lên cửa cho đẹp. Bác gái nhất quyết không đồng ý, vì làm theo bác trai chỉ được cái mã, để cây ổi còn có quả ăn. Đối với tôi lúc đó, tất nhiên tôi sẽ đứng về phía bác gái rồi, cây ổi ngon như thế, chặt đi tôi làm gì được ăn ổi nữa chứ. Cuối cùng, vì sự kiên quyết của bác gái mà cây ổi được bảo vệ an toàn, tôi vui lắm, nhưng chắc lúc đó bác trai chả vui mừng được như tôi đâu nhỉ?
>>Xem thêm: Cô gái ơi, những điều bạn nói không quan trọng bằng những việc bạn làm
Tôi cứ thầm mong cây ổi sẽ được trồng mãi ở đó để tôi có quả ăn, nhưng cuối cùng vì dự án mở rộng đường đi, cây ổi theo những năm tháng tuổi thơ của tôi đã bị chặt đi rồi. Cây ổi không còn, chứng táo bón của tôi cũng giảm đáng kể. Nhưng hai bác tôi thì vẫn luôn tìm ra việc để cãi nhau.
Một ngày nắng đẹp, trời trong, mây trôi lững thững cùng làn gió nhẹ thổi tóc bay bay, tôi được mẹ giao nhiệm vị ship lạc sang nhà bác (lúc đó tôi đã học cuối cấp 3 rồi). Tôi lại chứng kiến cảnh hai bác cãi nhau. Mặt họ tím tái như bị bóp cổ, giọng nói nhỏ, gằn từng tiếng để hàng xóm không nghe thấy. Bác trai muốn trồng cây cảnh trên ban công tầng hai, rồi đặt ở đó một bàn uống nước chè, còn bác gái thì tay lăm lăm một cuộn dây thép và cái kìm chuẩn bị giăng dây phơi quần áo.
Bác trai cho rằng, ban công tầng hai là mặt tiền, là nơi đẹp nhất trong nhà thì nên trang trí cho nó đẹp mắt chút, còn bác gái lại thấy nơi này có nhiều nắng gió như vậy, thì phơi quần áo rõ ràng là rất nhanh khô.
Bác gái sau bao năm vẫn rất vững vàng với chính kiến của mình “Tiện lợi là nhất. đẹp hay không, không quan trọng”. Còn bác trai, trái tim người nghệ sĩ vẫn thôi thúc bác sống một cuộc đời tao nhã và đẹp đẽ.
Tôi nhận ra rằng, họ quá khác biệt nhau, một người sống quá thực tế, đôi khi đến mức thô kệch. Một người lại coi trọng những giá trị tinh thần, sáng tạo và yêu thích cái đẹp.
Đến bây giờ, trải qua năm này qua năm khác, họ tuy là cùng một nhà nhưng lại như những vị khách thuê trọ. Mỗi người một khu vực, mỗi người một niêu, chẳng ai đụng tới ai, thậm chí nói chuyện còn không buồn nhìn mặt.
Tôi không phải là họ, không có quyền quyền thay họ quyết định phải làm gì. Nhưng bản thân tôi không thích cuộc hôn nhân như vậy, tôi cũng không thể chịu đựng được một cuộc hôn nhân như thế. Tôi không thể ở với người mà tôi ghét cả đời. Cũng không thể hy sinh thân mình chỉ để dày vò nửa đời còn lại của một gã đàn ông tồi tệ.
Họ sống vì thể diện, để đẹp mặt với người ngoài, tôi cho rằng ai cũng nên vì chính bản thân mình mà sống một cuộc đời rực rỡ.
Họ thấy ly hôn là điều gì đó khủng khiếp, không bao giờ được phép nghĩ tới, còn với tôi, nó thực sự đơn giản, bởi tôi luôn cho rằng điều quan trọng nhất không phải là một tờ giấy đăng ký kết hôn, mà chính là cách người ta ứng xử với nhau.
Họ nói vì con cái thì sau cùng, 3 người con của họ đều lấy chồng lấy vợ xa nhà, chẳng ai còn ở lại với bố mẹ chúng. Cuối cùng, vẫn chỉ có họ chịu trách nhiệm với lựa chọn của mình.
Mẹ tôi chọn ly hôn với bố tôi. Đến bây giờ, tôi nhận ra rằng, cả mẹ và bố tôi đều tìm được người phù hợp với bản thân mình, tôi thấy họ hiện tại vô cùng hạnh phúc. Còn tôi ư? Tôi cũng hạnh phúc vì tôi cũng có cuộc đời của riêng mình, có gia đình nhỏ của mình luôn cảm thấy bình yên.
Thiết nghĩ, các cặp đôi trước khi về chung một nhà nên trang bị sẵn cho mình hành trang tâm lý và hệ thống nguyên tắc ứng xử cho hôn nhân và cả hậu ly hôn nếu có. Tôi cho rằng, khi ta sống có nguyên tắc, có định hướng rõ ràng, bản thân mỗi người hẳn sẽ không lúng túng, hành động cảm tính dẫn đến nóng vội công kích nhau đến mức bốc khói đầu trước khi đá nhau ra khỏi cuộc đời.
Suy cho cùng, người có thể ở cạnh ta lâu nhất lại chính là người vợ, người chồng mình đấy thôi. Cả một đoạn đường dài như vậy, phải đi cùng người không chung chí hướng, không tiếng nói cười thì đó chính là một hình phạt.
>>Xem thêm: Là phụ nữ, nhất định phải thơm tinh tế
Độc thân dù sao cũng là một lựa chọn tốt, nếu ta sợ hãi phải đối mặt với những đổ vỡ hôn nhân.